Chi tiết bài viết

Chẩn đoán và điều trị ban đỏ nhiễm trùng

Bệnh ban đỏ nhiễm trùng liên quan đến cơ chế miễn dịch, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh biểu hiện đặc trưng bởi các nốt ban sẩn trên da. Trên lâm sàng, bệnh ban đỏ nhiễm trùng đôi khi có thể bị nhầm với những bệnh lý khác như ban xuất huyết hay các vết do côn trùng đốt.

1. Chẩn đoán bệnh ban đỏ nhiễm trùng

1.1 Chẩn đoán xác định

Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn hay còn gọi là bệnh thứ năm, là một tình trạng phát ban ngoài da thường gặp ở trẻ em do virus Human Parvovirus gây ra. Bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn và phụ nữ mang thai.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Bệnh có thể lây qua đường hô hấp. Do vậy, việc chẩn đoán sớm bệnh và điều trị kịp thời là rất quan trọng, không chỉ đảm bảo được sức khỏe cho bé mà còn hạn chế nguy cơ bị lây lan sang những người khác.

Để chẩn đoán chính xác bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn cần phải dựa vào cả các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Biểu hiện lâm sàng:

  • Khởi phát sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi.
  • Ban đỏ xuất hiện sau sốt vài ngày, ban đầu ở má, sau đó đến các chi rồi mông và thân mình, tổn thương da đỏ, cảm giác hơi nóng rát. Ban đỏ kéo dài trong khoảng 2 – 4 ngày, rồi sau đó xuống dần ở các chi dưới dạng ban hồng hoặc dạng lưới, đôi khi gặp ở cả thân mình.
  • Tình trạng ban nặng lên khi tiếp xúc với nước nóng, nước lạnh quá hay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ban có thể tự mất đi sau vài ngày, đôi khi có những trường hợp bệnh nhân bị xuất hiện ban đỏ kéo dài đến vài tuần.
  • Biểu hiện kèm theo: hạch, viêm họng. Trường hợp nặng, các nốt ban có thể gây đau.

Với những trường hợp biểu hiện lâm sàng không rõ ràng, để có thể chẩn đoán chính xác cần kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Xét nghiệm huyết thanh IgG, IgM: thường IgM ở những người bị bệnh ban đỏ nhiễm trùng sẽ xuất hiện trong máu vào ngày thứ 8 sau khi bị nhiễm trùng và biến mất sau 3 tháng. Còn IgG xuất hiện vào khoảng ngày thứ 15 đến ngày thứ 21 sau nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm PCR chẩn đoán virus Parvovirus B19 có độ nhạy và giá trị chẩn đoán cao.

1.2 Chẩn đoán phân biệt

Trên lâm sàng, cần phải lưu ý chẩn đoán phân biệt bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn với một số bệnh lý sau:

Ban xuất huyết:

  • Là các ban màu đỏ, không bị mất đi khi căng da.
  • Ban mọc lên rồi lặn đi theo thứ tự kèm theo sự thay đổi màu sắc vết ban: ban đầu màu đỏ, sau đó sang tím vàng rồi mất hẳn.

Các nốt ban đỏ do côn trùng tiết túc đốt:

  • Ban xuất hiện có vị trí đặc trưng: ví dụ ở vùng da hở thường do muỗi, ở các nếp gấp chủ yếu do ve hay mò đốt…
  • Ban đỏ có thể kèm ngứa, thường thấy dạng nốt ban nhỏ kèm chấm đen ở giữa.

2. Điều trị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn

Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh ban nhiễm khuẩn. Trên lâm sàng chủ yếu điều trị xử lý các triệu chứng để bệnh có tiến triển tốt, thuyên giảm nhanh hơn. Tùy theo từng tình trạng bệnh nhân khác nhau với những triệu chứng khác nhau để có hướng dùng thuốc khác nhau như:

  • Trẻ có sốt cao liên tục: cho uống thuốc hạ sốt.
  • Ban đỏ nhiều, ngứa: cho trẻ uống kháng histamin.
  • Nếu có dấu hiệu của nhiễm trùng nhiễm khuẩn: cho trẻ dùng kháng sinh.

Lưu ý là tất các thuốc sử dụng đều phải theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa được thăm khám và chẩn đoán.

Một số lưu ý để có thể giúp cải thiện tình trạng ban của trẻ:

  • Cho trẻ uống nhiều nước.
  • Có chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ. Tập cho trẻ có một thói quen ăn uống lành mạnh.
  • Cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi. Nên nghỉ tại nhà bởi bệnh do virus gây nên. Nếu trẻ đến trường có thể tăng nguy cơ lây nhiễm cho các trẻ khác.
  • Theo dõi sát các triệu chứng của trẻ, nếu thấy bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì phải cho trẻ đi khám để được dùng thuốc điều trị kịp thời, không tự ý cho trẻ uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ gìn vệ sinh cả mẹ với bé, các vật dụng có tiếp xúc với trẻ để hạn chế tối đa khả năng lây lan của virus.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người bị ho, hắt hơi thường xuyên.

Nói chung bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn cũng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua tiếp xúc với các dịch hô hấp hay nước bọt. Bệnh là lành tính, nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của trẻ. Vậy nên cần chẩn đoán sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec