Chi tiết bài viết

Điều gì đã xảy ra nếu trẻ bị loại bỏ một nửa bộ não?

Bộ não có hai bán cầu gồm trái và phải. Mỗi bán cầu có các khu vực khác nhau với nhiệm vụ kiểm soát hoạt động thể chất và nhận thức của con người. Nhưng điều gì xảy ra nếu bạn mất một bán cầu? Đây là trường hợp gặp ở những người có phẫu thuật cắt bán cầu ở thời thơ ấu nhằm điều trị các cơn động kinh nghiêm trọng.

1. Tại sao trẻ cần loại bỏ bộ não?

Động kinh có tác động tàn phá đối với sự phát triển não bộ ở trẻ em và trong một số trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ thậm chí đã loại bỏ một phần não để giúp ngăn chặn tình trạng này. Trong những trường hợp này, các bác sĩ phẫu thuật thực hiện phẫu thuật loại bỏ một trong hai bán cầu hoặc ngắt kết nối giữa bán cầu bệnh với bán cầu khỏe mạnh hơn.

Mặc dù phẫu thuật não có vẻ như là một phương pháp điều trị rất mạnh tay, nhưng lại mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho những trẻ vẫn bị co giật sau khi đã sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không hiệu quả. Nếu những cơn động kinh đến từ một khu vực rộng lớn ở một bán cầu của não thì phẫu thuật cắt bán cầu là phương pháp điều trị duy nhất có thể ngăn chặn những cơn động kinh tiếp tục diễn ra. Cắt bán cầu có khả năng ngăn chặn cơn động kinh nên có thể tạo điều kiện cho não có cơ hội tổ chức lại và tiếp tục phát triển mà không bị gián đoạn.

Nếu không được điều trị, các cơn động kinh sẽ gây tổn thương nhiều hơn cho não trẻ, làm gián đoạn khả năng phát triển nhận thức của trẻ và dẫn đến khuyết tật nghiêm trọng hơn.

2. Điều gì xảy ra với một đứa trẻ đang lớn khi một nửa bộ não của chúng bị loại bỏ?

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Cell đề cập đến những đứa trẻ bị mất một nửa não bộ và sự phát triển thành người lớn. Các phát hiện cho thấy rằng, khi mất đi một nửa não bộ, thì một nửa bộ não còn lại có thể hình thành các kết nối mạnh mẽ khác thường giữa các khu vực chức năng khác nhau. Điều này có thể giúp cơ thể hoạt động như thể bộ não còn nguyên vẹn.

Lý do điều này xảy ra là nếu người bệnh nhân đủ trẻ, cơ thể họ có thể bù lại bằng cách chuyển một số chức năng thần kinh từ một nửa bộ não bị tổn thương, mất kết nối hoặc mất một nửa bộ não của họ sang nửa khỏe mạnh còn lại.

Để thực hiện nghiên cứu này, Kliemann và các đồng nghiệp đã mời sáu người trưởng thành có chức năng cao (high-functioning) đã từng phẫu thuật cắt bán cầu ở thời thơ ấu để điều trị bệnh động kinh. Ngoải, nhóm nghiên cứu đã mời thêm sáu người trưởng thành khỏe mạnh chưa từng phẫu thuật cắt bán cầu. Họ yêu cầu mỗi người tham gia nằm xuống và thư giãn trong máy chụp cộng hưởng từ chức năng (Functional MRI – fMRI) để tạo ra hình ảnh của hoạt động não của đối tượng nghiên cứu.

Khi nhóm nghiên cứu so sánh hoạt động não của những người đã phẫu thuật cắt bán cầu với những người khỏe mạnh, họ thấy rằng cả hai bên đều có kết nối tương tự nhau trong các vùng não liên quan đến cùng một mạng lưới chức năng. Tuy nhiên, những người đã phẫu thuật cắt bán cầu có kết nối não cao bất thường giữa các mạng lưới chức năng khác nhau. Mặc dù cần có nhiều nghiên cứu hơn, nhưng có thể các kết nối giữa các mạng lưới giúp não bù đắp lại việc mất chức năng ở một bên bán cầu.

Bất cứ ai trải qua phẫu thuật cắt bán cầu sẽ có một số hạn chế chức năng. Ví dụ, khi một nửa bộ não bị tổn thương, mất kết nối hoặc bị loại bỏ, sẽ gây ra sự yếu kém ở phía đối diện của cơ thể. Đặc biệt, bàn chân và bàn tay ở một bên sẽ yếu hơn nửa đối diện và gây mất thị lực ở một bên.

Kết quả của phẫu thuật cắt bán cầu có xu hướng tốt nhất khi nó thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 3 tuổi. Điều đó do bộ não của trẻ có nhiều khả năng chuyển một số chức năng thần kinh từ bên này sang bên kia. Ví dụ, chức năng ngôn ngữ thường phát triển ở bán cầu não trái. Nếu phía bên trái bị hỏng, bị ngắt kết nối hoặc bị thiếu thì chức năng ngôn ngữ có thể có khả năng chuyển sang phía bên phải.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec