Chi tiết bài viết

Làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tử vong cao hàng thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan với tỷ lệ tử vong lên tới 70% Tuy nhiên bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%. Vậy làm thế nào để giảm nguy cơ ung thư đại tràng?

1. Các giai đoạn chính của ung thư đại tràng:

  • Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn sớm nhất, còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào ung thư vẫn còn ở trong niêm mạc, hoặc các lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn 1: Ung thư đã phát triển qua lớp niêm mạc và lan xuống lớp dưới niêm mac hoặc lớp cơ của thành ruột nhưng không lây lan sang các mô hoặc các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 2: Ung thư đã phát triển qua lớp cơ đến lớp thanh mạc, nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã xâm lấn các hạch bạch huyết gần đó, nhưng nó vẫn chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã xâm lấn các cơ quan khác của cơ thể, ví dụ như phổi, gan, màng bụng, hoặc buồng trứng.
  • Tái phát: Ung thư tái phát sau khi điều trị thất bại. Nó có thể trở lại và ảnh hưởng đến trực tràng, đại tràng hoặc một phần khác của cơ thể.

2. Những dấu hiệu nguy cơ của ung thư đại tràng:

  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài: thường gặp như đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn, đau quặn bụng hay âm ỉ. Chán ăn, khó tiêu, đầy chướng bụng. Đi ngoài nhiều lần trong ngày giống triệu chứng bệnh lỵ.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Rối loạn bài tiết phân: đại tiện táo, đi ngoài phân lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài, người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi đại tiện.
  • Phân mỏng và hẹp so với bình thường: có thể kích thước mỏng như thỏi bút chì hoặc có hình lá lúa do phân đi qua khối u, cần đề cao cảnh giác.
  • Xuất hiện máu trong phân: có thể phân lẫn máu sẫm hoặc đỏ tươi.
  • Mệt mỏi và suy nhược: đây là triệu chứng dễ bỏ qua nhất
  • Ngoài các triệu chứng trên thì khi ung thư ở giai đoạn muộn, có di căn đến các cơ quan khác thì có thể có các triệu chứng như: sờ thấy khối u nổi dưới da bụng, vàng da, bụng to dần, ho, khó thở, đau xương…

3. Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư đại tràng

Trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn. Sau đó, bạn sẽ được chỉ định một số xét nghiệm sau:

  • Nội soi đại trực tràng: Với một đầu soi nhỏ gắn với một ống soi mềm, bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ hình ảnh bên trong lòng đại trực tràng. Trước đó bạn sẽ phải thụt tháo sạch phân trước soi bằng thuốc. Có thể nội soi gây mê hoặc không gây mê. Một qúa trình soi mất khoảng 30 phút.
  • Sinh thiết: Trong quá trình soi, bác sĩ có thể cắt bỏ một mảnh mô nhỏ và gửi xuống khoa giải phẫu bệnh. Các bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ nhuộm và soi dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư.

Những xét nghiệm đánh giá ung thư đã lan rộng chưa:

  • X-quang ngực: Chụp X-quang ngực có thể đánh giá xem bệnh đã lan sang phổi hay không.
  • CT (chụp cắt lớp): Chụp CT scan có tiêm thuốc cản quang có thể cho biết ung thư đã lan đến các hạch lân cận hay các cơ quan khác như gan, phổi…
  • MRI (chụp cộng hưởng từ): có thể chụp MRI đánh giá di căn não, di căn xương…
  • PET- CT: đây là xét nghiệm hiện đại. Người bệnh được tiêm một chất đồng vị phóng xạ và tiến hành chụp toàn thân để phát hiện ung thư đã di căn đến hạch hay các cơ quan khác hay chưa, giúp chẩn đoán sơ bộ giai đoạn bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
  • Một số marker ung thư như: CEA, CA 19-9 để theo dõi trong quá trình điều trị.

4. Bạn cần làm gì để ngăn ngừa ung thư đại tràng?

Thói quen ăn uống lành mạnh:

  • Các loại thịt đỏ được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng, thức ăn chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố gây ung thư. Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng.
  • Chế độ ăn nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, giảm thời gian ứ đọng phân.
  • Các thức uống có cồn và thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ra ung thư đại tràng

Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Khám sức khỏe, tầm soát ung thư đại tràng định kỳ

Tầm soát ung thư đại tràng định kỳ sẽ là phương pháp hiệu quả nhất bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta trước loại ung thư nguy hiểm này.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec