Chi tiết bài viết

Phân biệt đau nửa đầu và rối loạn tiền đình

Đau nửa đầu và rối loạn tiền đình là những triệu chứng thần kinh rất thường gặp trong cộng đồng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cơ bản để phân biệt đau nửa đầu và rối loạn tiền đình, cũng như cách xử trí khi gặp những vấn đề này.

1. Đau nửa đầu là gì?

1.1 Khái niệm

Đau nửa đầu (còn gọi là đau đầu Migrain) thuộc hội chứng đau đầu mạn tính với mức độ đau từ trung bình đến nặng. Mặc dù kiểu đau này thường xuyên tái phát nhưng lại hoàn toàn lành tính.

1.2 Dấu hiệu

Đau nửa đầu kéo dài từ 4 đến 72 giờ, chỉ đau một bên đầu, có thể thay đổi vị trí bên đau giữa hai lần đau, và người bệnh cảm giác đau theo nhịp đập, tăng lên khi vận động hay ở nơi nhiều ánh sáng, ồn ào, có thể đi kèm buồn nôn, nôn ói. Đôi khi cơn đau đầu Migrain có triệu chứng báo trước như hoa mắt, thấy các điểm chớp sáng, ù tai, cảm giác tê một bên đầu… Đau nửa đầu thường gặp ở độ tuổi từ 12 – 40 và tần suất lưu hành giảm đi sau 40 tuổi. Nữ giới thường gặp hơn nam giới.

1.3 Nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau đầu Migraine vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng nguồn gốc của những cơn đau này là do rối loạn chức năng thần kinh, gồm có sự co thắt mạch máu và sự bất cân xứng giữa các chất dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, những đột biến gen di truyền cũng đã ghi nhận vai trò trong khởi phát bệnh lý này.

1.4 Điều trị

Việc điều trị là tùy vào mức độ cơn đau. Nếu đau nhẹ đến trung bình, bệnh nhân sẽ đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau thông thường. Nếu đau nửa đầu dữ dội và tần suất cơn lặp đi lặp lại nhiều ngày trong một tuần, bác sĩ có thể xem xét chỉ định dùng các thuốc đồng vận thụ thể 5-HT1, thuốc đối vận dopamine hay các loại thuốc an thần.

1.5 Phòng tránh

Phòng tránh các yếu tố khởi phát mới là điều quan trọng nhất trong điều trị đau nửa đầu. Cụ thể là hạn chế uống rượu, ăn các thực phẩm có chứa chocolate, vài loại phomat, thiếu ngủ, hoạt động quá sức, ánh sáng chói, âm thanh hay những kích thích khác… Người bệnh nên học cách giảm stress, bớt căng thẳng, tập thiền định có thể giúp đau nửa đầu giảm tái phát hoặc xảy ra với mức độ dễ chấp nhận hơn.

2. Rối loạn tiền đình là gì?

2.1 Khái niệm

Tiền đình là cơ quan giữ chức năng thăng bằng, từ đó giúp duy trì tính ổn định cân bằng cơ thể, dáng vẻ cũng như phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Hệ thống tiền đình gồm có một cơ quan cảm nhận là ống bán khuyên nằm trong ốc tai, dây thần kinh dẫn truyền và nhân thần kinh phân tích tín hiệu trong não.

2.2 Dấu hiệu

Rối loạn tiền đình xảy ra khi bị tổn thương bất cứ cơ quan nào thuộc hệ thống nêu trên. Khi đó, biểu hiện điển hình là cơ thể mất khả năng giữ thăng bằng khi di chuyển, thay đổi tư thế, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn… Tuổi khởi phát trung bình ở tuổi 60 trở lên và bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam giới.

2.3 Nguyên nhân

Nguyên nhân của tổn thương rất đa dạng, từ viêm nhiễm, xơ cứng, thoái hóa đến thiếu máu cục bộ, xuất huyết hay bị chấn thương. Chính vì thế, việc điều trị cũng phải tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân của rối loạn tiền đình thường gặp nhất là do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Mặc dù hoàn toàn lành tính, bệnh lý này lại gây ra cảm giác chóng mặt rất khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ thuyên giảm với những nghiệm pháp tái lập vị trí ống bán khuyên hay các thuốc kháng histamine…

3. Điều trị đau nửa đầu và rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình và đau nửa đầu các bệnh lý thuộc chuyên khoa Nội thần kinh. Các triệu chứng của chúng rất khó chịu, xuất hiện thành từng cơn và tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh.

Nếu các triệu chứng xuất hiện lần đầu, người bệnh có thể nhầm lẫn giữa hai bệnh lý này. Việc tự ý điều trị không đúng nguyên nhân thay vì đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, càng làm người bệnh thêm lo lắng, các triệu chứng trở nên trầm trọng và đôi khi xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, khi triệu chứng lặp lại nhiều lần, theo những đặc điểm trình bày trên đây, người bệnh sẽ biết bệnh lý nào là đúng với tình trạng của mình.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec