Chi tiết bài viết

Thường xuyên đau đầu vùng trán, phải làm thế nào?

Nhiều trường hợp bệnh nhân thường xuyên bị đau đầu vùng trán, nhất là từ 2 thái dương vào dọc giữa đôi cung lông mày. Cơn đau đầu ở trán âm ỉ và không rõ ràng, luôn đi kèm với cảm giác rất khó chịu khiến nhiều người muốn tìm cách khắc phục triệt để.

1. Nguyên nhân đau đầu trước trán

1.1. Đau đầu bệnh lý

Đau đầu vùng trán là một tình trạng bệnh lý thường gặp, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, đây có khả năng là triệu chứng của một số bệnh như sau:

  • Bệnh mạch máu não;
  • Khối u chèn ép não;
  • Viêm nhiễm vùng đầu – mặt – cổ;
  • Hội chứng giao cảm cổ;
  • Rối loạn thần kinh chức năng.

Dựa trên từng nguyên nhân mà cả biểu hiện, mức độ cũng như vị trí vùng khởi phát đau đầu sẽ khác nhau. Ví dụ như đối với bệnh nhân bị đau đầu do vận mạch, dấu hiệu phổ biến là cảm thấy đau đầu vùng trán, từ thái dương lan ra ổ mắt, kèm theo đó là chảy nước mắt và nước mũi.

1.2. Đau đầu tâm lý

Đau đầu tâm lý hay đau đầu do co cơ còn được hiểu là đau đầu vì căng thẳng thần kinh. Người bệnh sẽ có những biểu hiện như sau:

  • Cảm giác nặng đầu, như bị chèn ép cả đầu hoặc thắt khăn chặt quanh đầu;
  • Cơn đau tăng lên khi bị xúc động;
  • Rối loạn lo âu, ám ảnh hoặc trầm cảm;
  • Kích động thái quá, rối loạn phân ly (hysteria);

Ngoài ra, bệnh nhân bị đau đầu trước trán do stress hoặc sang chấn tâm lý cũng có biểu hiện trí nhớ giảm sút, kém tập trung, đau dai dẳng và kéo dài kể từ khi xảy ra biến cố hoặc xuất hiện vấn đề phải lo nghĩ trong quá khứ cho đến hiện tại.

1.3. Viêm xoang trán

Bệnh viêm xoang trán có hai triệu chứng điển hình là chảy nước mũi và đau đầu ở trán, dựa vào biểu hiện ra bên ngoài mà có thể đánh giá mức độ viêm xoang như sau:

  • Viêm xoang trán nhẹ: Chảy mũi nhầy đặc và dính. Không có cảm giác đau đầu ở trán thường xuyên, chỉ nhức đầu ở mức độ nhẹ khi thời tiết thay đổi;
  • Viêm xoang trán trung bình: Dịch mũi lẫn mủ xanh hoặc vàng nâu. Thường có biểu hiện đau đầu vùng trán, cụ thể là dọc theo đôi lông mày, lan ra 1 hoặc cả 2 bên thái dương tùy vị trí xoang bị viêm;
  • Viêm xoang trán nặng: Dịch mủ nhiều, nhầy và quá dính làm tắc nghẽn đường dẫn lưu từ xoang xuống khe mũi. Chảy mũi rất ít hay thậm chí là không chảy mũi, nhưng gây đau tức vùng hốc mắt trên, dù ấn nhẹ cũng thấy rất đau.

Viêm xoang trán là một căn bệnh không nguy hiểm nếu được điều trị đúng cách và kịp thời. Nhưng nếu người bệnh chủ quan thì có nguy cơ gặp phải biến chứng nhiễm trùng lan tỏa, bắt đầu từ mũi đến amidan, họng, sau đó là viêm thanh quản và viêm phế quản phổi. Bên cạnh đó, biến chứng trong ổ mắt gây áp xe hậu nhãn cầu cũng có thể xuất hiện ở người có sức đề kháng kém, để lại nhiều hậu quả nặng nề.

2. Cách khắc phục đau đầu vùng trán

Khi cảm thấy đau đầu ở trán, bệnh nhân nên ngừng việc đang làm và ngồi yên thư giãn hoặc nằm nghỉ trong phòng tối một lúc, cũng như kết hợp với một số động tác đơn giản sau:

  • Nhắm mắt;
  • Hít vào và thở ra từ từ;
  • Xoay chậm hoặc xoa bóp cơ cổ và vùng đầu nhẹ rồi mạnh dần;
  • Chườm nóng hoặc đắp khăn lạnh lên trán;
  • Tắm nước nóng.

Sắp xếp thời gian biểu để học tập, làm việc và ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, kết hợp tập thiền và yoga là những gợi ý bệnh nhân nên tham khảo để cải thiện chứng đau đầu ở trán thường xuyên. Ngoài ra, chứng đau đầu trước trán cũng có thể khắc phục tạm thời bằng cách dùng thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen… tuy nhiên phải lưu ý không được lạm dụng thuốc trong thời gian dài.

Người bị đau đầu vùng trán nên đến bệnh viện có chuyên khoa nội thần kinh nếu mức độ đau trở nên dữ dội, đau liên tục hơn 3 lần/tuần, đau thường xuyên và nặng dần khiến mất ngủ nhiều ngày. Riêng đối với viêm xoang trán mạn tính, bệnh nhân cần gặp bác sĩ khám chuyên khoa tai mũi họng và chụp X quang xoang để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec