Chi tiết bài viết

Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản

A-Các tên thường gọi khác:

Viêm thực quản trào ngược; GERD

B-Định nghĩa của bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng trong đó các chất chứa trong dạ dày (chất lỏng hoặc chất đặc) trào ngược từ dạ dày lên thực quản (là ống nối từ miệng xuống dạ dày). Điều này gây kích ứng thực quản, gây nóng xót thượng vị cùng các triệu chứng khác.

Dạ dày co bóp tống thức ăn trào ngược trở lại thực quản (mũi tên màu xanh) do cơ thắt thực quản dưới bị giãn

C-Nguyên nhân, độ xuất hiện và các yếu tố nguy cơ:

Khi ta ăn, thực phẩm di chuyển từ vùng hầu họng xuống dạ dày qua ngã thực quản. Sau khi thức ăn xuống đến thực quản, một vòng cơ trơn sẽ co thắt khiến thức ăn không thể trào ngược trở lại thực quản. Cơ vòng này có tên gọi là cơ thắt thực quản dưới.

Nếu cơ thắt này không đóng kín, thức ăn cùng các chất dịch và acid dạ dày sẽ trào ngược trở lại thực quản. Đây chính là tình trạng trào ngược hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược gây ra nhiều triệu chứng và làm tổn thương thực quản.

Các yếu tố nguy cơ gây trào ngược bao gồm:

-thoát vị hoành (khi một phần dạ dày chui ngược qua cơ hoành là cơ ngăn cách giữa lồng ngực và bụng),

-có thai,

-bệnh xơ cứng bì.

Béo phì, thuốc lá, bia rượu cũng là những yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh trào ngược (GERD).

Trào ngược có thể xuất hiện và tăng nặng sau khi sanh, hoặc sau khi dùng một số thuốc như:

  • Các thuốc kháng cholinergic
  • Thuốc beta-blockers dùng trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim
  • Thuốc giãn phế quản điều trị hen suyễn
  • Các thuốc ức chế kênh calci điều trị tăng huyết áp
  • Các thuốc kích hoạt Dopamine điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc Progestin dùng điều trị rong kinh hoặc tránh thai
  • Thuốc an thần điều trị chứng lo âu mất ngủ
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Nếu nghi ngờ thuốc đang dùng có thể gây bệnh trào ngược thì nên trao đổi với bác sĩ điều trị. Tránh ngưng thuốc đột ngột.

D-Triệu chứng:

Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm:

  • Cảm giác thức ăn bị vướng sau xương ức
  • Cảm giác nóng xót, đau sau xương ức:

+ Cảm giác khó chịu này sẽ tăng khi gập người, cúi người, khi nằm và sau khi ăn

+ Thường xảy ra hoặc nặng hơn vào ban đêm

+ Giảm bớt khi dùng các thuốc kháng acid

  • Buồn nôn sau khi ăn

Các triệu chứng ít gặp hơn là:

  • Ho, khò khè
  • Nuốt khó
  • Nấc cục
  • Khàn tiếng hoặc giọng nói thay đổi
  • Ợ ngược thức ăn
  • Đau họng

E-Dấu hiệu và thử nghiệm:

Không cần thiết xét nghiệm khi các triệu chứng không nặng lắm.

Khi các triệu chứng nặng hoặc hay tái phát sau khi điều trị, có thể sử dụng các nghiệm pháp sau đây để chẩn đoán bệnh trào ngược hoặc phát hiện các biến chứng:

  • Nội soi thực quản dạ dày tá tràng : Thường dùng ống nhỏ có gắn camera nội soi vào thực quản, dạ dày, tá tràng để quan sát tổn thương.
  • Chụp cản quang đường tiêu hoá trên
  • Theo dõi pH thực quản liên tục
  • Đo áp suất trong lòng thực quản
  • Xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính có thể giúp phát hiện xuất huyết do kích ứng niêm mạc thực quản.

F-Điều trị:

Để phòng bệnh trào ngược thực quản, nên tránh dùng các thực phẩm và thức uống sau đây:

  • Rượu
  • Cà phê
  • Nước ngọt có gaz
  • Sô cô la
  • Các loại nước cam, chanh, quýt, bưởi
  • Cà chua
  • Nước sốt cà chua
  • Các thức ăn cay và béo
  • Sữa và chế phẩm từ sữa còn nguyên kem và chất béo
  • Tinh dầu bạc hà

Ngoài ra nên tránh các loại thức ăn nào có thể gây triệu chứng trào ngược sau khi dùng.

Đồng thời nên áp dụng các biện pháp về thay đổi lối sống sau đây:

  • Tránh cúi người về phía trước hoặc tập luyện ngay sau khi ăn
  • Tránh các loại quần áo có nịt lưng quá chật
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn.
  • Tránh ăn uống trong vòng 2-3 giờ trước khi ngủ.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không uống cà phê
  • Chia nhiều bữa ăn nhỏ.
  • Giảm cân nếu thừa cân.
  • Chú ý giảm stress.
  • Nâng đầu giường cao 15 cm, hoặc ngủ ghế dựa.

Có thể dùng thuốc kháng acid (bán tự do) sau các bữa ăn chính hoặc trước khi đi ngủ, mặc dù tác dụng của chúng thường ngắn. Các thuốc này thường gây ra tác dụng phụ táo bón hoặc tiêu chảy.

Một số thuốc khác có thể giúp điều trị bệnh GERD. Tác dụng của chúng thường chậm nhưng lại kéo dài hơn so với thuốc kháng acid. Bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là các thuốc ức chế acid mạnh nhất: omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), rabeprazole (AcipHex), và pantoprazole (Protonix)
  • Các thuốc ức chế thụ thể H2: famotidine (Pepsid), cimetidine (Tagamet), ranitidine (Zantac), và nizatidine (Axid)
  • Các thuốc tăng cường làm rỗng dạ dày: metoclopramide (Reglan), domperidone (Motilium), mosapride (Zurma)

Phẫu thuật chống trào ngược (phẫu thuật Nissen cùng các phẫu thuật khác) đối với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa đi kèm với thay đổi lối sống. Phẫu thuật giúp cải thiện triệu chứng nóng xót và trào ngược tuy rằng một số bệnh nhân vẫn phải tiếp tục dùng thuốc. Hiện đã có một số phương pháp mới áp dụng phẫu thuật nội soi để điều trị chống trào ngược.

G-Tiên lượng:

Đa số bệnh nhân đều cải thiện sau khi thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên đa phần bệnh nhân vẫn cần uống thuốc lâu dài để kiểm soát triệu chứng.

H-Biến chứng:

  • Bệnh thực quản Barrett (biến đổi niêm mạc thực quản gây tăng nguy cơ ung thư)
  • Co thắt phế quản (acid gây kích ứng và co thắt đường thở)
  • Ho và khàn tiếng mạn tính
  • Các vấn đề về răng (bị acid tấn công)
  • Loét thực quản
  • Viêm thực quản
  • Chít hẹp thực quản do sẹo phỏng từ trào ngược acid dạ dày

I-Nên đi khám bệnh nếu:

Nên đi khám bệnh nếu các triệu chứng tăng nặng hoặc không giảm sau khi đã được điều trị.

Cần đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Xuất huyết
  • Ngộp thở (ho, khó thở)
  • Ăn mau no
  • Nôn ói thường
  • Khàn tiếng
  • Chán ăn
  • Nuốt nghẹn hoặc nuốt đau
  • Sụt cân

J-Phòng Tránh:

  • Áp dụng các kỹ thuật phòng tránh trào ngược
  • Soi thực quản và sinh thiết để phát hiện bệnh thực quản  Barrett.
  • Nội soi theo dõi để sớm phát hiện loạn sản tế bào, hoặc ung thư.

​Bệnh Viện Hoàn Mỹ