Chi tiết bài viết

Kháng sinh và vi khuẩn: Những điều cần biết

Kháng sinh đầu tiên được công bố chính là Penicillin vào năm 1929, từ đó lần lượt có rất nhiều loại kháng sinh được tìm ra từ nấm và xạ khuẩn cho đến tiên tiến hơn là kháng sinh được tạo ra bởi vi khuẩn được gắn thêm gốc hóa học hoặc hoàn toàn từ hóa học. Kháng sinh là dược chất đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử điều trị các bệnh do vi khuẩn nhưng không phải ai cũng biết những điều đặc biệt về mối liên hệ giữa kháng sinh và vi khuẩn.

1. Kháng sinh là gì?

Kháng sinh là chất được chiết xuất từ vi sinh vật hoặc sản phẩm của tổng hợp hóa học có tác dụng ức chế hoặc giết chết vi sinh vật, có thể dùng tại chỗ hoặc toàn thân, ít độc hoặc không độc cho cơ thể. Trong điều trị, khi chưa có kết quả kháng sinh đồ thì thầy thuốc thuốc có thể điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm dựa vào cách phân loại sau:

  • Kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn Gram dương: penicillin, erythromycin
  • Kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn Gram âm: chloramphenicol, gentamycin
  • Kháng phổ rộng dùng cho nhiều loại vi khuẩn thì có nhóm cephalosporin thế hệ II, III, nhóm quinolon, imipenem
  • Kháng sinh phổ hẹp chuyên biệt cho một số vi khuẩn như với cầu khuẩn Gram dương (dùng oxacillin, cephalosporin I, vancomycin), kháng sinh chống lao (rifampicin, isoniazid, streptomycin), kháng sinh kháng nấm (nystatin, gruseofulvin, ketoconazol, fluconazol)

2. Phân loại kháng sinh theo cấu trúc hóa học

Đây là cách phân loại khoa học nhất cho phép người chỉ định kháng sinh có thể dùng nhóm thay thế hoặc phối hợp kháng sinh để tránh tương tác thuốc. Có 8 nhóm kháng sinh chính là:

  • Nhóm β-lactam: là nhóm kháng sinh độc tính thấp và có phổ tác dụng rộng gồm 2 phân nhóm là penicillin và cephalosporin gồm 4 thế hệ. Lưu ý của nhóm này là do phổ tác dụng rộng khiến cho việc dùng kháng sinh liều cao kéo dày dễ làm bệnh nhân mắc loạn khuẩn ở ruột, đặc biệt penicillin G và V có tỉ lệ gây dị ứng cao hơn các kháng sinh khác
  • Nhóm aminosid: có các kháng sinh tiêu biểu như streptomycin, kanamycin, neomycin có tác dụng diệt khuẩn mạnh lên nhiều loại vi khuẩn Gram âm và một số vi khuẩn Gram dương. Lưu ý khi sử dụng liều cao kéo dài quá 10 ngày có thể gây nên tổn thương tiền đình, thần kinh thính giác và thận cho bệnh nhân. Chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và hạn chế sử dụng cho trẻ em dưới 7 tuổi
  • Nhóm phenicol: Tiêu biểu là chloramphenicol và thiamphenicol có tác dụng ức chế vi khuẩn Gram âm. Lưu ý khi dùng liều cao nhiều ngày có thể gây suy tủy và thiếu máu không hồi phục. Chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 3 tuổi và bệnh nhân thiếu máu, suy gan.
  • Nhóm lincosamid: Tiêu biểu là Lincomycin và clindamycin có tác dụng lên các vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn kỵ khí. Lưu ý khi dùng kéo dài có thể gây viêm đại tràng chảy máu.
  • Nhóm macrolid: loại cổ điển gồm erythromycin và oleandomycin chỉ tác dụng ức chế lên vi khuẩn Gram dương. Loại mới gồm roxithromycin, clarithromycin, azithromycin,… có tác dụng lên nhiều loại vi khuẩn cả Gram âm và dương cũng như đặc biệt tốt với vi khuẩn kí sinh nội bào.
  • Nhóm cylin: tiêu biểu là tetracylin, doxyxylin, minocyline có tác dụng ức chế lên nhiều loại vi khuẩn khác nhau kể cả các vi khuẩn ký sinh nội bào. Lưu ý nhóm kháng sinh này dễ gây tổn thương gan, màng xương và men răng nên chống chỉ định cho trẻ dưới 9 tuổi.
  • Nhóm kháng sinh chống nấm: tiêu biểu có nystatin và griseofulvin, có phổ rộng, hấp thu tốt dùng được cả tại chỗ lẫn toàn thân và không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Các nhóm khác: gồm có quinolon 2 thế hệ, nitro-imidazol, sulfamid và glycopeptide.

3. Các cơ chế tác dụng của kháng sinh với vi khuẩn

Có 5 cơ chế tác dụng của kháng sinh với vi khuẩn có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn bao gồm:

  • Ức chế tổng hợp vách tế bào: các kháng sinh nhóm β-lactam có khả năng gắn chọn lọc vào các transpeptidase của vách tế bào vi khuẩn khiến vách tế bào được cấu tạo từ peptidoglycan này tan rã khiến vi khuẩn bị tiêu diệt.
  • Ức chế chức năng màng bào tương: kháng sinh gắn lên màng bào tương sẽ làm thay đổi tính thấm chọn lọc khiến vi khuẩn mất một số chất cần thiết làm tổn hại và chết vi khuẩn. Nhóm kháng sinh tiêu biểu hoạt động theo cơ chế này là polymycin và aminosid.
  • Ức chế tổng hợp protein: có 2 cơ chế là phong bế mạch polypeptide hoặc tạo nên protein bất thường vô dụng. Phenicol và macrolid có khả năng gắn vào phần 50s của ribosom vi khuẩn sẽ phong bế enzyme transferase làm quá tình tổng hợp protein của vi khuẩn bị ngưng lại. Tetracyllin và aminosid lại có khả năng gắn vào phần 30S của ribosom vi khuẩn gây ra việc đọc mã sai của ARN vi khuẩn làm protein được tạo ra vô dụng với đời sống vi khuẩn.
  • Tác động trực tiếp vào acid nhân: nhóm quinolon có khả năng ức chế enzyme ADN-gyrase khiến ADN sợi kép của vi khuẩn không thể duỗi xoắn làm quá trình tổng hợp ADN của vi khuẩn bị ngừng lại hoàn toàn.

Tác động cạnh tranh đối kháng: là cơ chế của các sunfunamid có cấu trúc hóa học tương tự acid paraaminobenzoic nên cạnh tranh với PAB mà vi khuẩn cần sử dụng dẫn tới ngưng tổng hợp acid nucleic của vi khuẩn

4. Năm nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn

Với công dụng vượt trội trong việc sử dụng kháng sinh chống lại các bệnh nhiễm khuẩn thì hiểu biết về cách sử dụng kháng sinh là cần thiết cho mọi đối tượng. Sau đây là 5 nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn:

  • Dùng kháng sinh không đúng thuốc sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc: kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn chứ không có tác dụng lên mọi loại vi sinh vật nên nếu dùng kháng sinh không đúng cách sẽ khiến cho vi khuẩn học cách kháng lại kháng sinh làm mất tác dụng của chúng.
  • Kháng sinh không dùng để điều trị các bệnh do virus.
  • Dùng kháng sinh đúng loại, đúng liều dùng, đúng đường dùng và đúng thời gian: đây là các tiêu chí cần phải quan tâm khi sử dụng kháng sinh để đạt được hiệu quả tốt trong điều trị và đề phòng kháng thuốc.
  • Không chia sẻ thuốc kháng sinh với người thân hoặc bạn bè: không dùng thuốc kháng sinh được kê đơn cho người khác vì mỗi đơn thuốc điều chỉ phù hợp với một ca bệnh nhất định, dùng sai thuốc, sai liều có thể làm chậm trễ việc điều trị và tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc.
  • Chỉ dùng kháng sinh khi có đơn của bác sĩ: điều này sẽ giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh không đúng cách làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh cũng như quá trình trị liệu không đạt được hiệu quả.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec