Chi tiết bài viết

Giun lươn – Thêm một thủ phạm gây viêm dạ dày

Nhiều bệnh nhân đến khám bệnh vì có những triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng nhưng kết quả xét nghiệm là do bệnh nhân nhiễm giun lươn.  Ở đường tiêu hóa, bệnh nhân nhiễm giun lươn thường được chẩn đoán nhầm với các bệnh lý dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa.

1. Thêm một thủ phạm gây viêm dạ dày

Tỉ lệ nhiễm giun lươn trên các bệnh nhân có triệu chứng viêm loét dạ dày, tá tràng gần 30%. 100% bệnh nhân nhiễm giun lươn đều bị viêm dạ dày ở các vị trí khác nhau.  Đây là vấn đề mà từ trước đến nay chưa được y văn đề cập. Theo các bác sĩ, người nhiễm giun lươn nếu có biểu hiện bệnh lý thì triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý như viêm loét dạ dày, tá tràng, suy nhược cơ thể. Tùy vào vị trí ký sinh mà giun lươn gây triệu chứng lâm sàng tương ứng nên rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý nội ngoại khoa khác. 100% bệnh nhân nhiễm giun lươn đều bị viêm dạ dày ở các vị trí khác nhau. Chủ yếu là viêm hang vị, kế đến là phình vị, còn lại là tổn thương ở những nơi khác của dạ dày. Trong đó, tỉ lệ soi phân tìm ấu trùng giun lươn lại rất thấp, khoảng 5%-10% vì ấu trùng có rất ít trong phân, do đó soi phân hoặc cấy phân cũng không phải là phương pháp hiệu quả để phát hiện bệnh nhiễm giun lươn.

Các bác sĩ còn cho biết biểu hiện ở đường tiêu hóa rất đa dạng và khó phân biệt với bệnh lý dạ dày, tá tràng do nguyên nhân khác. Triệu chứng đau thượng vị chiếm tỉ lệ cao nhất là 86%, kế đến là chán ăn hơn 60%, ngoài ra các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, ợ chua, tiêu chảy chiếm khoảng 30%-40%, triệu chứng đau bụng, bụng chướng hơi chiếm tỉ lệ thấp khoảng 26%. 

2. Bệnh diễn tiến âm thầm

Hơn 50% bệnh nhân nhiễm giun lươn làm nghề nông hoặc nghề có tiếp xúc với đất. Các bác sĩ khẳng định đây là những nghề có nhiều yếu tố thuận lợi dễ bị nhiễm giun lươn. Đặc biệt giun lươn có chu trình tự nhiễm, nếu không được điều trị sẽ tồn tại trong cơ thể vài ba chục năm. Bệnh diễn tiến âm thầm, không rõ rệt, khiến người bệnh và thầy thuốc ít quan tâm. Thế nhưng, nếu vì lý do gì mà sức đề kháng giảm đi hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài, giun lươn sẽ có cơ hội bộc phát gây bệnh nặng. Thuốc ức chế acid dạ dày cũng làm cho môi trường dạ dày giảm sức kháng khuẩn, làm cho giun lươn dễ xâm nhập dạ dày hơn. Trong số các bệnh nhân đến điều trị tại các bệnh viện, có đến hơn phân nửa sử dụng thuốc kháng acid dạ dày.

Qua khảo sát, các bác sĩ ghi nhận gần 87% bệnh nhân có những bệnh khác ngoài tình trạng nhiễm giun lươn, như hơn 56% bệnh nhân đau dạ dày trên 5 năm hoặc bị tiểu đường, hen phế quản, viêm khớp, suy thượng thận, viêm xoang… Chính việc điều trị những bệnh này bằng thuốc ức chế miễn dịch, ức chế acid dạ dày đã tạo thuận lợi cho bệnh nhiễm giun lươn. Ngoài các bệnh kể trên, các bác sĩ còn lưu ý những bệnh lý thuận lợi cho giun lươn bùng phát như ung thư dạ dày, nhiễm HIV, nghiện rượu mãn tính, xơ gan. Các bác sĩ đưa ra lời khuyên tất cả các bệnh nhân có chẩn đoán là viêm loét dạ dày tá tràng (đau thượng vị, khó tiêu, buồn nôn) trên 3 tháng cần phải quan tâm đến ký sinh trùng này để tránh bỏ sót chẩn đoán, từ đó việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.

3.Biểu hiện toàn thân do giun lươn

Biểu hiện toàn thân của bệnh nhiễm giun lươn được ghi nhận rất đa dạng, bao gồm: mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, sốt, ngứa, nổi mề đay. Nổi bật nhất là mệt mỏi chiếm hơn 65% và sụt cân cũng khá phổ biến, trên 26%. Sụt cân chiếm tỉ lệ rất cao ở những bệnh nhân nhiễm giun lươn, nguyên nhân do cơ thể kém hấp thu thức ăn, chán ăn lâu ngày, từ đó dẫn đến thiếu máu nhẹ, suy nhược. Kế đến là sốt chiếm hơn 17%, thiếu máu hơn 13%, còn lại là ngứa. Triệu chứng nổi mề đay ở giai đoạn đầu của bệnh nhiễm giun lươn, tuy nhiên không nhiều.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn