Chi tiết bài viết

Khám sức khỏe tổng quát có phát hiện sớm bệnh gút?

Lối sống và chế độ sinh hoạt không phù hợp là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ số người mắc bệnh gút. Theo đó, việc phát hiện sớm bệnh gút có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Những ai có nguy cơ bệnh gout cao?

Bệnh guot (gút) hay còn gọi là bệnh thống phong là bệnh lý được hình thành do rối loạn chuyển hóa các nhân purin với đặc điểm chính là tăng acid uric máu. Khi acid uric trong máu tăng cao, tích tụ qua qua thời gian sẽ hình thành nên những hạt tinh thể nhỏ urat natri. Các tinh thể này tập trung tại các khớp gây sưng, viêm đau đớn cho người bệnh.

Bệnh gout thường được bắt đầu bằng những cơn gout cấp gây đau nhức dữ dội ở các khớp, đặc biệt thường gặp ở khớp ngón chân cái nhưng cũng có thể gặp ở các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, bàn chân, khớp bàn tay, cổ tay,… Cơn gout cấp có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau đó có thể thuyên giảm. Nhưng nếu không được điều trị thì các cơn gout cấp sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và có thể gây phá hủy khớp dẫn đến tàn phế.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh gout như do thận không thải được acid uric, do cơ thể tạo quá nhiều acid uric (người bệnh ăn nhiều thức ăn chứa nhân purin, uống nhiều rượu, mắc các bệnh lý tăng hủy tế bào như đa u tủy xương, thiếu máu tan máu, suy thận mạn tính,..) hoặc do bất thường trong quá trình tạo acid uric trong cơ thể.

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, tuy nhiên chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng không hợp lý đang làm tỷ lệ người mắc bệnh gout trong dân số tăng lên. Nguy cơ bệnh gout tăng cao ở những người có chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản, uống nhiều rượu bia, béo phì, tăng huyết áp. Nguy cơ bệnh gout xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi, tuy nhiên phụ nữ giai đoạn sau mãn kinh nếu chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng không hợp lý cũng có nguy cơ bệnh gout cao.

2. Khám sức khỏe tổng quát giúp phát hiện sớm bệnh gút

2.1. Những xét nghiệm chẩn đoán bệnh gút

Để chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc bệnh gút, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện 4 xét nghiệm cơ bản gồm:

  • Xét nghiệm nồng độ acid aric trong máu: Được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ acid uric trong máu bệnh nhân. Trong điều kiện sức khỏe bình thường, nồng độ acid uric trong máu ở nam giới là 210-420 μmol/L, nữ giới 150-350 μml/L. Nếu kết quả xét nghiệm acid uric trong máu cao so với ngưỡng bình thường, kết hợp với triệu chứng lâm sàng và kết quả các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh.
  • Xét nghiệm acid uric niệu trong 24 giờ: Đây là xét nghiệm được chỉ định với những bệnh nhân có khả năng cao mắc bệnh gout nhằm theo dõi tình trạng bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể. Người bình thường có nồng độ acid uric trong nước tiểu từ 1200-5900 μmol/L/24 giờ. Người bệnh gout có acid uric trong nước tiểu cao hơn bình thường.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Là cách chính xác nhất để khẳng định chẩn đoán bệnh gout. Dịch khớp để được chụt hút để soi dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các tinh thể urat hình kim hoặc hạt tophi. Tuy nhiên, trong thực tế phương pháp này chỉ được thực hiện khi thật cần thiết.
  • Xét nghiệm chức năng thận: Bệnh gout thường có biến chứng ở thận, do đó xét nghiệm chức năng thận được thực hiện để đánh giá giai đoạn mắc bệnh sớm hay muộn. Những xét nghiệm chức năng thận thường được thực hiện là ure, protein niệu, tế bào niệu, creatinin, siêu âm thận,…

Ngoài những xét nghiệm trên, tùy từng trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện thêm một số phương pháp như chụp X – quang, chụp CT, nội soi khớp,…để chẩn đoán xác định mức độ bệnh.

2.2. Khám sức khỏe tổng quát giúp phát hiện sớm bệnh gút như thế nào?

Khám sức khỏe tổng quát là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe. Khi khám tổng quát, người bệnh sẽ được đánh giá tổng thể các chỉ số cơ thể qua các xét nghiệm, các kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật thăm dò chức năng,… từ đó giúp tầm soát, phát hiện sớm các bệnh tật.

Khám sức khỏe tổng quát có thể giúp phát hiện sớm bệnh gút qua xét nghiệm acid uric máu. Đây là một xét nghiệm thường quy được thực hiện ở hầu hết các gói khám sức khỏe tổng quát. Dù không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu đều bị gout, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài thì nguy cơ bệnh gout rất cao. Khi kết quả xét nghiệm acid uric máu cao, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm tiếp theo cùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang khớp, chụp CT,… để chẩn đoán xác định bệnh.

Việc phát hiện sớm bệnh gút có vai trò vô cùng quan trọng, vì ngoài nguy cơ gây phá hủy khớp dẫn đến tàn phế, bệnh gút còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Các khối tophi được hình thành ở khớp do tích tụ nhiều các tinh thể urat natri, các khối này ngày càng to ra sẽ chèn ép mạch máu và thần kinh gây các bệnh lý mạch máu và thần kinh ngoại biên. Nếu hạt tophi bị vỡ sẽ làm vết thương khó lành, nguy cơ cao nhiễm trùng chi, có trường hợp dẫn đến cắt cụt chi.
  • Sỏi thận: Khoảng 20% bệnh nhân gút bị sỏi thận do sự lắng đọng các tinh thể urat cũng như các tinh thể calci gây ra sỏi. Sỏi thận có thể dẫn đến tắc nghẽn đường tiểu, nhiễm trùng tiết nịu, suy giảm chức năng thận,…
  • Các tinh thể urat có thể gây viêm màng trong tim, gây tổn thương cơ tim. Tinh thể urat cũng có thể lắng đọng ở những mảng xơ vữa trong lòng mạch gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu thông, tắc mạch máu, gây nguy hiểm tính mạng người bệnh.

Nếu bệnh gút được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng và mang lại hiệu quả cao, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec