Chi tiết bài viết

Thế nào là rối loạn nhịp tim chậm?

Rối loạn nhịp tim là thuật ngữ chung để chỉ một số tình trạng hoạt động điện của tim. Các hoạt động này có thể mắc phải tình trạng rối loạn bất thường: nhanh hoặc chậm hơn hoạt động điện bình thường.

1. Rối loạn nhịp tim chậm là gì?

Tim được ví như một cái máy bơm, tim phải co bóp để cung cấp máu cho các cơ quan và duy trì sự sống. Tuy nhiên, tim muốn co bóp được phải có nút tạo nhịp tim gọi là nút xoang, nút xoang phát xung động kích thích tim co bóp. Ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 – 80 lần/phút, khi gắng sức (vận động, tập thể thao…) nút xoang sẽ đáp ứng phát nhịp nhanh hơn theo nhu cầu cơ thể.

Khi bị bệnh rối loạn nhịp chậm, tim đập chậm hơn bình thường, ví dụ: Dưới 50 lần/phút, dưới 40 lần/phút, thậm chí dưới 30 lần/phút hoặc có khi ngưng tim kéo dài. Tùy mức độ nhịp chậm, bệnh nhân có thể có biểu hiện khác nhau, trường hợp nhịp chậm nhẹ: Bệnh nhân sẽ mệt, không có khả năng gắng sức, choáng váng, trường hợp nặng thì có thể dẫn đến ngất do thiếu máu não, có khi ngưng tim đột tử.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim chậm

2.1. Nguyên nhân mắc phải

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nút xoang bị suy yếu, hệ thống dẫn truyền điện trong tim bị tổn thương gây nhịp chậm
  • Sau mổ tim: Nút xoang và hệ thống dẫn truyền bị tổn thương
  • Do dùng thuốc gây nhịp chậm
  • Nhiễm trùng làm hư hại hệ thống dẫn truyền
  • Do bệnh nội tiết khác (suy giáp)

2.2. Nguyên nhân bẩm sinh

  • Sinh ra đã bị nhịp chậm

3. Một số rối loạn nhịp tim chậm thường gặp

3.1. Hội chứng suy nút xoang

Hội chứng suy nút xoang hay còn gọi là nút xoang bệnh lý hoặc rối loạn nhịp xoang là tình trạng nút xoang không đủ khả năng để duy trì hoạt động bình thường. Trên lâm sàng có thể gặp các biểu hiện: nhịp chậm xoang, ngưng xoang, nhịp thoát nút hoặc cơn nhịp nhanh – nhịp chậm xen kẽ.

Triệu chứng của hội chứng suy nút xoang: ngất hoặc tiền ngất (xỉu) là những triệu chứng đáng chú ý, choáng váng, chóng mặt, khó thở… Với những bệnh nhân có hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm có thể có những cơn hồi hộp đánh trống ngực.

Bệnh nhân có thể đặt máy tạo nhịp tạm thời khi không cải thiện được bằng thuốc. Chỉ định cấy máy tạo nhịp áp dụng cho mọi bệnh nhân suy nút xoang đã có triệu chứng (ngất, xỉu…) hoặc bắt buộc vẫn phải dùng thuốc làm chậm nhịp tim. Đối với những bệnh nhân có hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm, cần đặt máy tạo nhịp để điều trị những lúc nhịp chậm và cho thuốc để điều trị các rối loạn nhịp nhanh.

3.2. Rối loạn dẫn truyền nhĩ thất (block nhĩ thất)

Block nhĩ thất là sự dẫn truyền xung điện từ nhĩ xuống thất bị chậm lại hay ngừng hẳn. Người ta thường chia block nhĩ thất thành 3 mức độ:

  • Block nhĩ thất độ I (hiện tượng dẫn truyền chậm trễ từ tâm nhĩ xuống tâm thất)
  • Block nhĩ thất độ II
  • Block nhĩ thất độ III hay block nhĩ thất hoàn toàn (tình trạng nặng nhất khi đường dẫn truyền từ nhĩ xuống thất bị nghẽn hẳn, nhĩ sẽ đập theo nhịp của nút xoang kích thích còn thất sẽ đập theo nhịp riêng của nó)

Nếu nhịp thất chỉ chậm ít, có thể không có triệu chứng gì. Nếu nhịp tim chậm nhiều, lượng máu từ tim đến các cơ quan, trong đó có não bị giảm sút, bệnh nhân có thể thấy choáng váng thoáng qua, mất thăng bằng, có khi bị xỉu hay bị ngất. Khi xảy ra cơn ngất, bệnh nhân mất ý thức, tay chân co quắp, sùi bọt mép… Nghe tim thấy nhịp tim chậm (30 – 40 chu kỳ/phút) và đều.

Block nhĩ thất độ I hoặc block nhĩ thất độ II (kiểu Mobitz I) thường không cần điều trị gì đặc hiệu. Với các bloc nhĩ thất độ II (kiểu Mobitz II) hoặc block nhĩ thất độ III dai dẳng thường cần phải cấy máy tạo nhịp tim.

4. Làm thế nào để phát hiện bệnh rối loạn nhịp tim chậm?

Khi có biểu hiện mệt, choáng váng, không có khả năng gắng sức, ngất xỉu thì cần đi khám bệnh ngay để tầm soát phát hiện bệnh lý rối loạn nhịp chậm. Cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm, vì bệnh lý rối loạn nhịp chậm nhiều khi không rõ ràng, có khi biểu hiện giống các bệnh lý suy nhược, rối loạn tiền đình, có khi không có triệu chứng.

Một số trường hợp rối loạn nhịp chậm ở dạng “Hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm” – có lúc tim đập rất chậm gây choáng váng, xen kẽ những khoảng tim đập rất nhanh không kiểm soát được gây hồi hộp khó chịu, nếu có biểu hiện này cần đi khám tim mạch ngay. Chú ý không dùng thuốc điều trị nhịp nhanh trong trường hợp này vì có khả năng gây ra nhịp chậm trầm trọng.

5. Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim chậm

Hiện nay, tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đối với điều trị bệnh lý rối loạn nhịp chậm thì phương pháp duy nhất là cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Dùng thuốc hầu như không có hiệu quả khả quan, thậm chí có thể gây thêm rối loạn nhịp khác. Máy tạo nhịp sẽ thay thế phát nhịp khi nhịp tim chậm, giúp giữ nhịp tim bệnh nhân ở mức bình thường.

Bác sĩ sẽ cấy máy tạo nhịp vào dưới da ngực bệnh nhân, dây điện cực được luồn theo mạch máu vào buồng tim, cố định trong buồng tim. Nếu nhịp tim của bệnh nhân bình thường, máy sẽ ở trạng thái chờ, nếu nhịp tim bệnh nhân chậm, máy sẽ phát nhịp thay thế. Các máy tạo nhịp hiện đại ngày nay có chức năng đáp ứng nhịp, khi bệnh nhân gắng sức, bị sốt… máy sẽ tạo nhịp nhanh hơn để đáp ứng theo nhu cầu cơ thể.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec