Chi tiết bài viết

Viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm tuyến tụy cấp tính với nhiều mức độ khác nhau.

1. Nguyên nhân nào gây viêm tụy cấp?

– Nghiện rượu lâu ngày

– Có sỏi đường mật

– Nhiễm giun sán

– Chấn thương tụy hay sau mổ vùng tụy

– Dùng thuốc có tác dụng phụ…

 

2. Triệu chứng bệnh như thế nào?

Người bệnh thường có cơn đau bụng dữ dội vùng bụng trên rốn hoặc vùng dưới sườn trái, lan lên vai hoặc lói ra sau lưng. Cơn đau thường xuất hiện sau một bữa ăn thịnh soạn, đau liên tục, khó tìm thấy tư thế nào để giảm đau. Kèm theo đau là nôn ói nhiều, sau khi nôn vẫn thấy còn đau bụng. Bụng chướng dần, có khi bí trung đại tiện (không đánh hơi, không đi cầu được). Trường hợp nặng có thể có tình trạng choáng, rối loạn tinh thần, có thể có dấu bầm tím quanh rốn.

3. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

– Men tụy (men amylase) trong máu và nước tiểu đều tăng, tuy nhiên men tụy trong nước tiểu tăng chậm hơn.

– Chụp hình bụng tư thế đứng: có giá trị chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân đau bụng khác (như thủng dạ dày tá tràng, tắc ruột…)

– Siêu âm bụng: có giá trị tuy gặp khó khăn vì bụng chướng nhiều hơi

– Chụp hình bụng cắt lớp (CT scan) rất có giá trị chẩn đoán và tiên lượng bệnh.

Tóm lại, trong chẩn đoán cần loại trừ các nguyên nhân khác không phải viêm tụy cấp, sau đó cần đánh giá mức độ viêm tụy để có hướng điều trị thích hợp.

4. Điều trị bệnh Viêm tụy cấp như thế nào?

a. Điều trị nội khoa: Mục đích điều trị là cho tuyến tụy nghỉ ngơi và điều trị các rối loạn do viêm gan gây nên.

– Nhịn ăn uống: bệnh nhân sẽ được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch trong 7-10 ngày tùy đáp ứng hồi phục. Thường bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông mũi vào dạ dày để hạn chế dịch dạ dày xuống ruột gây kích thích tuyến tụy.

– Dùng các thuốc giảm đau và ức chế tiết dịch.

– Kháng sinh.

b. Nội soi mật tụy ngược dòng kèm với cắt cơ vòng lấy sỏi: Khi nguyên nhân viêm tụy là do sỏi mật, có thể dùng ống nội soi qua dạ dày xuống ruột để đưa lên đường mật lấy sỏi.

c. Phẫu thuật: Ngày nay ít được đặt ra, chỉ tiến hành dẫn lưu ổ tụy khi đã hoại tử hoặc có apxe tụy. Cũng có thể dẫn lưu ổ apxe qua chọc hút qua da (dưới hướng dẫn của siêu âm hay CT scan).

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh